( 26-09-2017 - 09:15 AM ) - Lượt xem: 6415
TÁC HẠI CỦA LOÀI MUỖI
Là tác nhân gây ra nhiều mầm bệnh nguy hiểm đến con người, muỗi là vật thể trung gian truyền bệnh giữa người với động vật, giữa người với người. Các bệnh do loài côn trùng này mang lại có thể gây tử vong như: sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, …
Hoạt động, sinh sôi và phát triển mạnh vào mùa mưa, hàng năm ở Việt Nam có hàng trăm người bị bệnh sốt rét và sốt xuất huyết, và có nhiều trường hợp đã tử vong do không cứu chữa kịp thời. Người ta ước tính muỗi đã lan truyền bệnh cho khoảng 70 triệu người ở các nước Châu Phi, Nam Phi, Trung Phi, Mexico và phần lớn các nước châu Á.
Ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Úc, Canada, Nhật,… thì việc bị muỗi cắn không phải là vấn đề lớn, nhưng vẫn có những trường hợp tử vong. Các biện pháp phòng ngừa và diệt muỗi hiện đang được tích cực triển khai và đem lại kết quả bước đầu.
Tác hại của loài muỗi
Lịch sử ghi nhận, trước khi việc lan truyền bệnh của muỗi được kiểm soát, chúng đã gây ra hàng triệu cái chết và hàng trăm ca lây nhiễm trên khắp thế giới. Người ta đã chứng minh muỗi là tác nhân lây truyền bệnh sốt vàng da và sốt rét từ người sang người ở Cuba sau đó lan truyền qua kênh đào Panama vào đầu thập niên 1990. Trên thế giới, bệnh sốt rét là loại bệnh nguy hiểm khi dẫn đầu về số ca tử vong ở người đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, có khoảng 5,3 triệu người chết mỗi năm vì bệnh sốt rét. Ngoài ra, hầu hết các loài muỗi đều mang kí sinh trùng giun chỉ, loài kí sinh trùng gây nên biến dạng trên cơ thể như sưng phù (bệnh chân voi). Chưa hết, muỗi còn là tác nhân lan truyền bệnh viêm não (do các Arbovirus). Khi muỗi hút máu, chúng bơm nước bọt có chứa chất chống đông máu vào, nếu muỗi có chứa virut, thì virut này sẽ theo nước bọt đi vào cơ thể. Một số bệnh viêm não có thể gặp khi bị muỗi chích như:
Viêm não ngựa miền Đông: Bệnh này chủ yếu xảy ra ở ngựa, hiếm gặp ở người. Tuy nhiên, bệnh này khá nguy hiểm và gây tử vong cao, bệnh thường xảy ra 10 ngày sau khi bị muỗi cắn.
Viêm não ngựa miền Tây: Tương tự như viêm não ngựa miền Đông, bệnh này cũng chủ yếu xảy ra ở ngựa, ít gặp ở người nhưng nhẹ hơn viêm não ngựa miền Đông, tuy nhiên trẻ nhỏ mắc bệnh sẽ có biểu hiện nặng hơn.
Viêm não St. Louis: Bệnh này lây truyền từ chim sang muỗi, nhóm người già có tỷ lệ mắc bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong khoảng 2%-20%.
Viêm não La Crosse: Được phát hiện đầu tiên vào năm 1963 thường gặp ở trẻ em.
Viêm não Tây sông Nile: diễn ra ở châu Phi, Trung Đông, một phần châu Âu, Nga, Ấn Độ và Indonesia. Bệnh lây từ chim sang muỗi, thường có biểu hiện nhẹ, nhưng nếu bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch bệnh có thể trở nên trầm trọng.